Mặc dù chịu sự cạnh tranh khá gay gắt từ các sản phẩm của nước ngoài, nhưng các doanh nghiệp sản xuất bánh kẹo Việt Nam vẫn kiên trì chiến lược đầu tư đổi mới công nghệ, phát triển một số dòng sản phẩm mới có chất lượng với giá cả hợp lý.
Vì vậy, bánh kẹo Việt vẫn trụ vững và hoàn toàn làm chủ “sân nhà”, bánh kẹo ngoại chiếm thị phần khá nhỏ, trong đó, bánh kẹo Trung Quốc hoàn toàn lép vế. Trước đây, người tiêu dùng Việt Nam, nhất là tại các vùng nông thôn, thường ưa chuộng hàng giá rẻ. Bánh kẹo, cũng như một số mặt hàng khác từ Trung Quốc, lợi dụng tâm lý, thói quen đó, đã “tiến công” thị trường theo phương thức này và trong nhiều thời điểm tỏ ra rất hiệu quả. Một thời, bánh kẹo sản xuất ở Trung Quốc tràn ngập thị trường, tại một số chợ đầu mối, cổng trường học, khu vui chơi bày bán la liệt các loại kẹo ngô, kẹo dâu, kẹo chuối,… mầu sắc bắt mắt, phù hợp độ tuổi trẻ em. Tuy nhiên, qua kiểm nghiệm, những loại bánh kẹo mầu sắc hấp dẫn này lại không phải những hãng bánh kẹo có uy tín trên thị trường, không bao bì, không hạn sử dụng, nhà sản xuất không tên tuổi, bán theo cân với giá rẻ mạt. Trước đây, mặc dù là bánh kẹo không rõ nguồn gốc, nhưng nhiều người tiêu dùng khu vực nông thôn vẫn ưa thích vì giá “mềm” lại đẹp mắt, nhất là vào những dịp lễ, Tuy nhiên, sau khi được cảnh báo từ phía các cơ quan chức năng và tiếp cận nhiều nguồn thông tin, người tiêu dùng đã dần dần tự mình thay đổi thói quen mua sắm, tìm kiếm những mặt hàng phù hợp, an toàn vệ sinh thực phẩm và an toàn cho sức khỏe gia đình. Và sự lựa chọn của hầu hết người tiêu dùng là hướng về bánh kẹo sản xuất trong nước, bởi giá cả hợp lý, chất lượng bảo đảm.

Những năm trước đây, phần lớn các dây chuyền sản xuất bánh kẹo của Việt Nam khá lạc hậu, phần lớn bánh kẹo đều phải nhập khẩu từ Trung Quốc, Thái-lan và một số nước khác, hình thành tâm lý sính ngoại. Trong một thời gian khá dài, bánh kẹo nhập khẩu xâm nhập mạnh thị trường và không ngừng gia tăng thị phần, “đẩy” các doanh nghiệp bánh kẹo trong nước đến chỗ phải tự đổi mới mình. Nếu không có chiến lược kinh doanh tốt và cách triển khai bài bản, các doanh nghiệp bánh kẹo trong nước khó lòng còn “đất sống”. Từ tác động thúc ép đó, các thương hiệu bánh kẹo truyền thống đã mạnh dạn đầu tư thiết bị, công nghệ hiện đại từ châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế như ISO, HACCP vào quá trình sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm. Vì thế, bánh kẹo trong nước đã từng bước giành lại thị phần và chiếm vai trò dẫn dắt thị trường. Dịp Tết Bính Thân 2015 vừa qua, tại hệ thống siêu thị BigC, bánh đóng hộp Việt Nam chiếm tới 90% sản phẩm tiêu thụ. Thị trường bánh kẹo có sự bứt phá của các doanh nghiệp nội, nhiều siêu thị đã ưu tiên sử dụng sản phẩm trong nước thay vì hàng nhập khẩu.

Chính xu hướng quay trở lại với bánh kẹo trong nước sản xuất của người tiêu dùng Việt Nam là niềm tin vững chắc giúp nhiều doanh nghiệp trong nước mạnh tay đầu tư sản xuất. Bên cạnh đó, việc tập trung đầu tư cho kênh phân phối cũng là lợi thế mà các doanh nghiệp này tạo dựng được. Các sản phẩm cũng đa dạng về miền giá, miền khối lượng, hướng đến nhu cầu và khả năng đa dạng của người tiêu dùng.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *