Thị trường bánh kẹo Việt Nam đang chứng kiến một cuộc cạnh tranh khốc liệt giữa các doanh nghiệp (DN) trong nước với các thương hiệu nước ngoài. Sự xuất hiện “ồ ạt” của các sản phẩm bánh kẹo nước ngoài trên thị trường đã lấn át sản phẩm trong nước cùng loại. Từ sức ép cạnh tranh này, đòi hỏi các DN bánh kẹo trong nước phải đổi mới, tìm hướng đi mới để giành lại thị phần.
Hàng ngoại len lỏi ngõ, ngách
Từ đầu năm 2015 đến nay, khi thuế suất thuế nhập khẩu đối với mặt hàng bánh kẹo giảm xuống còn 0%, thị trường bánh kẹo trong nước đã phải đối mặt trước sự xuất hiện ồ ạt của các sản phẩm nhập khẩu từ nhiều nước trong khu vực ASEAN như: Ma-lai-xi-a, In-đô-nê-xi-a, Thái-lan,… Các sản phẩm nhập khẩu này đa dạng về mẫu mã, chủng loại và chất lượng. Với người tiêu dùng (NTD), điều này tạo thêm nhiều cơ hội lựa chọn hàng có chất lượng cao với giá rẻ hơn, nhưng với các DN sản xuất bánh kẹo trong nước, đây thật sự là nguy cơ lớn, mất thị phần trên chính sân nhà.
Khảo sát tại các siêu thị lớn trên địa bàn TP Hà Nội như: BigC, Hapro Mart, VinMart, Lotte Mart…, không khó tìm một hộp bánh hay gói kẹo mang thương hiệu nước ngoài, nhất là các sản phẩm có xuất xứ từ các nước như: Hàn Quốc, Thái-lan, Ma-lai-xi-a, In-đô-nê-xi-a… Giá của những sản phẩm này có khả năng cạnh tranh cao, giá chênh lệch không nhiều so với sản phẩm trong nước, như kẹo ngọt Jinny có giá 52 nghìn đồng/lốc, bán lẻ 5.000 đồng/ống, bánh Crown 62 nghìn đồng/hộp, bánh Mejji 32 nghìn đồng/hộp,… Nếu như trước đây, bánh kẹo nhập khẩu chỉ xuất hiện trên các kệ hàng ở siêu thị hoặc một số đại lý bánh kẹo lớn thì nay, NTD có thể dễ dàng chọn mua sản phẩm nhập khẩu ngay tại các đại lý bánh kẹo, cửa hàng tạp hóa ở khắp các ngả đường. Bánh kẹo “ngoại” đã len lỏi vào từng gian hàng, góc chợ, nơi vốn trước đây chỉ có hàng nội. Chị Hà Linh, chủ cửa hàng chuyên bán bánh kẹo nhập khẩu trên đường Hai Bà Trưng (Hà Nội) cho biết: “So với các loại bánh kẹo trong nước thì hàng nhập từ các nước trong khu vực ASEAN giá không quá đắt, lại được khách hàng đánh giá là có vị ngon đặc trưng, không quá ngọt, quá béo nên dễ ăn hơn so với một số loại bánh kẹo sản xuất trong nước. Vì thế, tại cửa hàng của tôi mức tiêu thụ mặt hàng này khá cao. Giá bánh kẹo nhập khẩu dao động từ 30 nghìn đồng đến 300 nghìn đồng/sản phẩm, chủng loại hàng hóa cũng rất phong phú, đối tượng khách hàng cũng đa dạng hơn trước”. Còn cô Lê Thị Xuyến, người dân trú tại phố Nguyễn Lương Bằng (Hà Nội) cho rằng, chất lượng của nhiều loại bánh kẹo ngoại hơn hẳn hàng trong nước, bao bì, mẫu mã cũng bắt mắt hơn, nếu so sánh về giá thì hàng nhập ngoại chỉ cao hơn hàng nội khoảng từ 10% đến 15%, là mức giá có thể chấp nhận được. Tuy nhiên, bánh kẹo trong nước có hương vị truyền thống riêng, nếu DN trong nước tiếp tục cải tiến chất lượng, đưa đến tay NTD thêm nhiều loại sản phẩm có chất lượng, hương vị đặc trưng thì chắc chắn NTD vẫn ủng hộ bánh kẹo mang thương hiệu Việt.
Với tình hình hiện nay, các DN bánh kẹo trong nước khó có thể cạnh tranh thành công với các đối thủ nước ngoài khi những điểm yếu, hạn chế vốn có của DN chưa được khắc phục triệt để như mạng lưới phân phối còn yếu, danh mục sản phẩm chưa đa dạng, mẫu mã chưa đổi mới… Hơn nữa, các DN trong nước đều không có được các thế mạnh nổi trội về tài chính và kinh nghiệm hoạt động như các DN nước ngoài. Lo lắng trước sự lấn át của bánh kẹo ngoại, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Bánh kẹo Hải Hà Trần Hồng Thanh chia sẻ, việc thực hiện các cam kết hội nhập về cắt giảm thuế nhập khẩu đã tạo điều kiện cho bánh kẹo nước ngoài thâm nhập thị trường trong nước, đẩy thị trường bánh kẹo Việt Nam vào một cuộc cạnh tranh hết sức khốc liệt. Bên cạnh những hạn chế vốn có, các DN sản xuất bánh kẹo trong nước còn chịu thiệt hại kép do phải cạnh tranh không sòng phẳng. Cụ thể, DN trong nước phải mua nguyên liệu đường với giá cao do ngành mía đường trong nước đang được bảo hộ, mà vẫn phải bán sản phẩm với giá cạnh tranh so với các DN bánh kẹo trong khu vực được sử dụng đường nguyên liệu với giá thấp hơn. Chính sách bảo hộ này có thể hỗ trợ ngành mía đường trong nước vài ba năm tới nhưng lại làm giảm sức cạnh tranh của các DN sản xuất khác có sử dụng nguyên liệu đầu vào là đường kính. “Vì vậy, nếu giá đường kính của Việt Nam ngang bằng với giá quốc tế thì khả năng cạnh tranh được với bánh kẹo nhập khẩu và tăng trưởng hàng xuất khẩu của các DN sản xuất bánh kẹo Việt Nam là có thể”, Tổng Giám đốc Trần Hồng Thanh khẳng định.
Tranh thủ khai thác thị trường tiềm năng
Theo nghiên cứu của Công ty khảo sát thị trường quốc tế Business Monitor International (BMI), về lĩnh vực thực phẩm, Việt Nam đang là một trong những thị trường bán lẻ hấp dẫn, có sức hút với các DN nước ngoài và là thị trường nhiều tiềm năng tại châu Á, chỉ sau Ấn Độ. Với tốc độ tăng trưởng nhanh và ổn định của ngành công nghiệp bánh kẹo, dự báo từ nay đến năm 2018, mức tăng trưởng toàn ngành bánh kẹo tại Việt Nam sẽ đạt hơn 7%. Trong khi, mức tăng trưởng này được dự báo cho các nước trong khu vực và trên thế giới chỉ khoảng từ 1,5% đến 3%. Với thị trường đầy tiềm năng như vậy, không chỉ sản phẩm bánh kẹo nhập khẩu ồ ạt vào Việt Nam mà các DN nước ngoài cũng đã gia nhập thị trường Việt Nam với các thương hiệu như Breadtalk của Xin-ga-po, Paris Baguette và Tous Les Jours của Hàn Quốc…
Nếu so với các nhà sản xuất trong nước, các DN nước ngoài vượt trội về tiềm lực tài chính, công nghệ, sự đổi mới và sự đa dạng của sản phẩm, có sức hút với NTD. Theo Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội Vũ Vinh Phú, dù thị trường với hơn 90 triệu dân là chỗ dựa khá vững chắc cho các DN trong nước, song nếu chậm đổi mới, không thay đổi hướng đi, không tập trung đầu tư những sản phẩm chủ lực, các DN bánh kẹo trong nước khó có thể tồn tại và phát triển. Bởi hiện nay, tại các siêu thị, bánh kẹo nhập khẩu xuất hiện ngày càng nhiều. Lý do chính là giá giữa hàng nội và hàng ngoại chênh lệch nhau không lớn nhưng chất lượng của hàng nhập khẩu thì được NTD khá tin cậy. Vì vậy, để tạo ra lợi thế cạnh tranh, các DN Việt Nam cần chú trọng tập trung xây dựng và khai thác mạng lưới phân phối trên toàn quốc để NTD từ thành thị đến nông thôn có thể tiếp cận sản phẩm một cách dễ dàng, sâu rộng. Để làm được điều đó, DN cần có kế hoạch đầu tư tiếp thị quy mô lớn, thông qua các phương tiện truyền thông cũng như mở rộng mạng lưới phân phối, mà cụ thể ở đây phải đưa nhiều hơn nữa các mặt hàng bánh kẹo vào siêu thị, cửa hàng bán lẻ trên toàn quốc…
Đồng tình với quan điểm nêu trên, đại diện Công ty cổ phần thực phẩm Hữu Nghị cho biết, để phát triển ngành sản xuất bánh kẹo ở nước ta hiện nay, các DN bánh kẹo trong nước cần “đánh trúng” tâm lý của NTD, tự tin đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm, chiếm lĩnh thị trường ở tất cả các phân khúc từ bình dân đến cao cấp. Hiện, mẫu mã sang trọng, mới lạ không còn là sự “độc quyền” của hàng ngoại. Nhiều DN bánh kẹo trong nước đã mạnh dạn dầu tư, đổi mới mẫu mã sản phẩm như Hữu Nghị có các loại bánh hộp cao cấp: Tipo, Omoni, Spring, Oriental,… đang được nhiều NTD quan tâm và lựa chọn bởi sự đa dạng về hương vị, kiểu dáng, mẫu mã không thua hàng ngoại. Ngoài ra, công ty cũng chấp nhận giảm lợi nhuận, không tăng giá bán để giữ vững thị trường. Những mặt hàng cao cấp, công ty sẵn sàng đầu tư nâng cao chất lượng thiết kế mẫu mã, bao bì, đầu tư dây chuyền công nghệ tiên tiến nhất nhằm bảo đảm chất lượng có thể cạnh tranh với hàng nhập khẩu.
Ngoài việc tự lực đổi mới để phát triển, các DN có thể mua bán, sáp nhập với DN khác hoặc hợp tác với đối tác chiến lược để tạo nền tảng vững chắc hơn cho sự phát triển của DN. Điển hình như trường hợp của Công ty cổ phần bánh kẹo Bibica, với mong muốn tìm được đối tác chiến lược nhằm đẩy mạnh hệ thống phân phối, tối ưu chi phí và tăng tốc đầu tư, nâng cao chất lượng sản phẩm cho nên đã bán 40% cổ phần của mình cho Tập đoàn Lotte (Hàn Quốc). Việc mua bán sáp nhập hay tìm kiếm đối tác chiến lược có thể sẽ đem lại cơ hội cho DN gia tăng giá trị, từ đó danh mục sản phẩm của DN sẽ vững mạnh và đa dạng hơn, nền tảng tài chính vững chắc hơn để đầu tư hoạt động xây dựng thương hiệu với quy mô lớn hơn, củng cố và mở rộng mạng lưới phân phối một cách hiệu quả, nhắm tới nhiều đối tượng khách hàng khác nhau.